MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÚP HỌC SINH LỚP 2 LÀM QUEN NHANH VỚI MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI (VNEN)

Tháng Tư 4, 2016 7:47 chiều

MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÚP HỌC SINH LỚP 2 LÀM QUEN NHANH

VỚI MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI (VNEN)

 ( Nguyễn Thị Lài,

Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn,

Thị xã Ba Đồn – Tỉnh Quảng Bình )

        Nền giáo dục Việt Nam chúng ta đang chuyển mình với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, một trong những mô hình đánh dấu sự đổi mới giáo dục hiện nay là mô hình dạy học VNEN. Giáo dục thị xã Ba Đồn đã áp dụng thí điểm mô hình dạy học VNEN trong 3 năm qua tại trường Tiểu học Quảng Thuận, và năm học 2015-2016 là năm học nhân rộng mô hình trường học mới ở hầu hết các trường Tiểu học trên toàn thị. Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn cũng triển khai dạy học theo mô hình trường học mới đối với khối lớp 2. Là năm đầu tiên áp dụng mô hình dạy học mới, lại áp dụng đối với đối tượng lớp 2, vì vậy để thực hiện nhiệm vụ dạy học giáo viên gặp không ít khó khăn. Tôi luôn trăn trở: “Làm thế nào để học sinh lớp 2 làm quen nhanh với mô hình trường học mới?”,  “ Làm thế nào để học sinh hứng thú trong học tập?” “ Làm thế nào để thực hiện thành công mô hình dạy học VNEN?”

          Trong hai tháng triển khai mô hình trường học mới, với sự tìm tòi, trải nghiệm, tôi cũng đã đúc rút được một vài kinh nghiệm trong việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm giúp các em ở đồi tượng lớp 2 hòa mình một cách tự nhiên với mô hình trường học mới.

  1. Xây dựng tổ chức lớp học
  2. Trang trí lớp học

Trang trí lớp học theo mô hình VNEN, đó là bước đầu thay đổi không gian, tạo cho các em một cảm giác thay đổi ngay từ đầu cũng là tạo cho các em một môi trường mới, gây nhiều hứng thú trong các hoạt động học tập. Cách thức trang trí là bám theo chuẩn trang trí của mô hình VNEN. Các mảng trang trí xung quanh lớp học phải là những công cụ học tập. Giáo viên phải biết khai thác chúng trong các tiết học và trong những thời điểm các em hoạt động ở trường.

Ví dụ ở góc Thư viện – là tủ sách thân thiện của học sinh, giáo viên cần bày trí bắt mắt, thu hút học sinh. Cần tổ chức cho học sinh phát huy tối đa vai trò của nó. Hướng dẫn cho trưởng ban thư viện tổ chức cho các bạn đọc sách đầu giờ học, giờ ra chơi. Một tháng nên giành một tiết sinh hoạt lớp để tổ chức đọc sách, giới thiệu nội dung một vài câu chuyện hay các em được đọc, giới thiệu sách hay để học sinh thêm tự tin và luyện rèn cách diễn đạt cho các em.

anh

Góc thư viện cuối lớp

anh2

Một giờ đọc và giới thiệu sách ngoài trời.

            Xây dựng bảng thi đua của các nhóm và cá nhân với phần thưởng là cờ hoặc hoa thi đua. Đây là nơi phản ánh rõ nét và công khai kết quả học tập của mỗi nhóm và cá nhân sau mỗi hoạt động học tập, mỗi giờ học hay mỗi tuần, mỗi tháng học. Khi không còn điểm số thì mỗi lá cờ mỗi bông hoa là một cách động viên cụ thể và hữu ích. Giáo viên tuyên dương học sinh kịp thời sẽ kích thích tính tích cực, tính thi đua trong học tập và hoạt động giáo dục. 

anh3

Bảng thi đua nhóm và cá nhân.

                                          

anh4

Cờ thi đua.

         Nhịp cầu bè bạn với những phong thư cá nhân, là nơi tâm sự của các em với nhau và của giáo viên với từng học sinh. Trong các tiết học, có thể thay đổi hình thức liên hệ bằng việc tổ chức cho các em viết một vài dòng nói với bạn bè nội dung liên quan của tiết học, như vậy cũng đã giúp các em xích lại gần nhau, cũng là rèn cách viết văn cho các em rồi. Thỉnh thoảng giáo viên cũng viết một vài điều cho các em để thay đổi cho hình thức nhận xét bằng lời bình thường cũng là đã tạo cho các em một cảm giác mới và một cảm xúc lạ rồi. Có thể một lời nhắc nhở bằng một mẫu thư nhỏ trong phong thư cá nhân sẽ có tác dụng hơn một câu nhắc nhở trước lớp; có thể một lời động viên trong phong thư nhỏ sẽ mang lại cho các em sự cảm động nhiều hơn một câu nói bình thường trước lớp…

anh6

Hộp thư được trình bày theo từng nhóm nhỏ.

         Sau hai tháng triển khai, các lớp trường Tiểu học số 2 Quảng Văn đã trang trí theo mô hình VNEN, đảm bảo các bảng biểu, các góc. Tạo môi trường mới và mang tính giáo dục và thẫm mỹ. Ở khối lớp 2 cũng đã phát huy tích cực các công cụ học tập từ các góc trang trí và việc sử dụng các công cụ đó đã mang lạ hiệu quả thiết thực trong việc đổi mới phương pháp dạy học.

  1. Thành lập Hội đồng tự quản

Hội đồng tự quản được thành lập ngay từ tuần đầu của năm học. Giáo viên cần nắm bắt được những em học tốt và năng động để có hội ý trước khi tổ chức bầu Hội đồng tự quản. Định hướng cho các em hiểu ứng cử là gì, để cử là như thế nào. Nói cho các em hiểu vai trò của các ban, của Chủ tịch Hội đồng tự quản, phó chủ tịch Hội đồng tự quản để tác động sự chủ động ứng cử nếu các em có mong muốn làm một chức vụ gì. Cũng có thể cho các em xem một tiết bầu hội đồng tự quản mẫu trên băng hình rồi nêu các câu hỏi để các em hiểu được các hoạt động trong tiết bầu HĐTQ. Ví dụ như để các em nắm quy trình thì có thể nêu các câu hỏi như: Vào đầu tiết, các con thấy các bạn làm gì? ( Văn nghệ). Sau hoạt động đó thì các bạn làm gì nữa? …Để học sinh hiểu các hoạt động thì giáo viên có thể đặt một số câu hỏi như: Trong hoạt động ứng cử: Hoạt động giơ tay xin được vào Hội đồng tự quản gọi là hoạt động gì? Hoặc: Muốn Ứng cử vào Hội đồng tự quản thì con cần làm gì? Con thích vào Hội đồng tự quản thì con tham gia hoạt động nào trong tiết Bầu hội đồng tự quản? Sau khi ứng cử vào hội đồng tự quản thì con cần làm gì để được các bạn tín nhiệm mình? ….Hoạt động Bầu hội đồng tự quản có thể 2 tháng thì tổ chức một lần. Lần đầu có thể giáo viên hướng dẫn kĩ, cho xem băng hình nhưng những lần sau giáo viên chỉ cung cấp lại quy trình và nên để các em tự tổ chức để các em cũng được một lần rèn kĩ năng diễn đạt.

Ở lớp tôi triển khai mới chỉ hai lần bầu Hội đồng tự quản, nhưng từ lần thứ hai, tôi đã nhìn nhận thấy sự trưởng thành nhanh chóng của các em, sự tự tin của các em đang càng ngày càng lớn lên sau mỗi tháng tham gia hoạt động giáo dục mới

  1. Phát huy vai trò của các nhóm trưởng và các trưởng ban

Trước khi vào hoạt động, ngay từ đầu năm giáo viên cần có kế hoạch bồi dưỡng kĩ năng làm việc cho các nhóm trưởng và các trưởng ban. Đối với mô hình dạy học VNEN thì vai trò của nhóm trưởng và các trưởng ban có tính quyết định đến sự thành công của quá trình thực hiện các hoạt động học tập. Vì là nhiệm vụ mới mẻ và cũng là khó khăn đối với đối tượng học sinh nhỏ, nên giáo viên có thể áp dụng phối hợp nhiều hình thức: Đầu tiên giáo viên đánh máy nhiệm vụ của nhóm trưởng và trưởng ban, giao cho các em học thuộc. Mẫu nhiệm vụ có thể là như sau:

NHIỆM VỤ CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TỰ QUẢN

Chưa vào học

Kiểm tra vệ sinh, nhắc nhở các bạn làm vệ sinh

Mới vào học: 15 phút đầu giờ

Cho lớp chào cô giáo

– Kiểm tra sĩ số, báo cáo

– Mời trưởng ban vệ sinh báo cáo việc làm vệ sinh

– Cùng trưởng ban học tập chia đồ dùng học tập cho các nhóm

– Kiểm tra bài tập ứng dụng

– Nhắc các nhóm sắp xếp đồ dùng, sách vở chuẩn bị cho các tiết học

– Mời nhóm trưởng báo cáo việc sắp xếp đồ dùng của các nhóm

Bắt đầu tiết học đầu tiên

Mời trưởng ban văn nghệ lên cho lớp khởi động

– Mời cô giáo vào bài học

– Sau khi các nhóm giơ biển báo đọc mục tiêu xong: mời các bạn chia sẻ mục tiêu

– Sau khi các bạn chia sẻ mục tiêu xong: nhận xét

– Báo cáo cô giáo: Chúng con đã thực hiện xong bước 3, mời cô giáo góp ý cho cả lớp….

NHIỆM VỤ CỦA NHÓM TRƯỞNG

Khi mới vào học: 15 phút đầu giờ

Lấy đồ dùng học tập từ HĐTQ

– Kiểm tra bài tập ứng dụng

– Yêu cầu các bạn sắp xếp đồ dùng, sách vở cho các tiết học

Trong giờ học

–  Sau khi cô giáo giới thiệu bài: Mời các bạn đọc tên bài và ghi vào vở

– Khi các bạn ghi đầu bài xong, mời các bạn đọc mục tiêu bài học

– Khi các bạn đọc mục tiêu xong, hỏi: Theo các bạn mục tiêu của tiết học này là gì?

– Thống nhất mục tiêu: Vậy mục tiêu của tiết học này là….., giơ biển báo đã hoàn thành hoạt động

– Mời các bạn vào các hoạt động tiếp theo:

Bây giờ chúng ta vào hoạt động….., mời các bạn đọc yêu cầu của bài tập….

Hỏi: Các bạn đã rõ yêu cầu chưa?

Mời các bạn làm bài

Sau khi làm xong, nếu có bạn khác cũng đã xong thì đổi vở kiểm tra kết quả: Mời bạn kiểm tra bài mình, mình sẽ kiểm tra bài của bạn. Kiểm tra xong thì nhận xét

Sau khi cả nhóm làm bài xong: Mời bạn A nêu kết quả.

Sau khi bạn nêu kết quả xong: – Mời các bạn nhận xét

                                                     – Các bạn cho ý kiến về bài làm của bạn…

                                             Hoặc  – Các bạn có ý kiến gì không?….

                                                       – Các bạn có đồng ý với bài làm của

                                                      bạn….không?

                                                      – Theo mình, …..

Sau khi thống nhất kết quả thì giơ mặt cười báo cáo.

 NHIỆM VỤ CỦA TRƯỞNG BAN HỌC TẬP

15 phút đầu giờ:

– Kiểm tra bài tập ứng dụng, báo cáo với cô giáo.

Trong giờ học:

– Làm bài xong trước thì kiểm tra bài trong nhóm, sau đó đi các nhóm khác kiểm tra, nếu thấy có bạn sai thì chỉ giúp bạn chỗ sai, Kiểm tra xong thì báo báo tình hình với cô giáo.

 NHIỆM VỤ CỦA BAN ĐỜI SỐNG ( BAN THƯ VIỆN)

Ngoài giờ học: Giờ ra chơi, đầu buổi học.

– Sắp xếp thư viện.

– Thông báo, giới thiệu sách mới, sách hay cho bạn.

– Nhắc nhở bạn đọc sách, đọc báo. Nhắc nhở các bạn sắp xếp sách gọn gàng, đúng các góc

– Vận động các bạn có sách hay thì đóng góp cho thư viện.

– Nếu có thầy cô vào thăm lớp: giới thiệu cho thầy cô về các góc của lớp.

        Tất nhiên đó là bước khởi đầu, và không thể một vài ý đã hoàn thiện cách thức làm việc của các em. Sau khi các em đã thuộc và thực hiện một số buổi thì giáo viên lại tiếp tục kết hợp các hình thức bồi dưỡng khác, như: Cuối buổi, cho các em nhóm trưởng ngồi lại thành một nhóm. Giáo viên hướng dẫn cách làm việc cho nhóm trưởng bằng một số dạng bài cụ thể. Quy trình hướng dẫn như sau:

– Giáo viên đưa ra một bài tập, có lô gô hướng dẫn

– Yêu cầu các em lần lượt tổ chức cho nhóm thực hiện hoạt động dựa theo nhiệm vụ đã học

– Giáo viên điều chỉnh, làm mẫu

– Cho các em thực hiện lại, và lưu ý cách tổ chức cho các bài tập tương tự

– Tiếp tục đưa ra dạng bài khác

– Hướng dẫn cách thức điều hành nhóm cho các em, giúp các em linh động cho nhiều dạng bài khác nhau, cách thức điều hành khác nhau, tùy theo lô gô hướng dẫn để điều hành. Có một số dạng bài lặp lại nhiều lần nên các em cũng dễ theo một quy trình cụ thể

  Giáo viên lưu ý không nên hướng dẫn ôm đồm, có thể một buổi chỉ hướng dẫn hoạt động cho một môn nào đó. Kết hợp trong các tiết học, giáo viên thường xuyên hướng dẫn cách thức điều hành nhóm cho các nhóm trưởng. Dần dần các em sẽ nắm được cách điều hành và ngày càng trưởng thành hơn

Ở khối lớp 2 trường tôi, vào đầu năm các em rất bỡ ngỡ, và rất vụng về trong những câu nói điều hành nhóm, nhưng giờ đây, chỉ sau một thời gian không dài, các em đã mạnh dạn, khá dõng dạc khi nêu câu lệnh điều hành nhóm, các em đã chủ động thay giáo viên trong cách tổ chức hoạt động. Giáo viên cũng đã đỡ vất vả đi phần nào trong việc dạy cách học cho học sinh.

  1. Đổi mới phương pháp dạy học
  2. Giáo viên cần thực hiện theo quy trình 5 bước dạy học theo mô hình VNEN

Bước 1. Tạo hứng thú cho HS: 

          Đây là bước khá quan trọng, vì học sinh có hứng thú thì vào bài học các em tìm hiểu và tiếp thu kiến thức sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Vậy để tạo hứng thú cho học trò thì điều quan trọng là giáo viên luôn phải tìm ra một cái gì đó mới mẻ, thu hút hoặc kích thích vào tính tò mò của học sinh. Có thể dùng các cách sau: Đặt câu hỏi; Câu đố vui; Kể chuyện; Đặt một tình huống; Tổ chức trò chơi; Hoặc sử dụng các hình thức khác. Ở đối tượng học sinh lớp 2 thì phương pháp sử dụng trò chơi thường là một cách mở đầu tiết học cho lại hiệu quả.

Bước 2. Tổ chức cho HS trải nghiệm

        Tổ chức các hình thức trải nghiệm thú vị, gần gũi với HS. Nếu là tình huống diễn tả bằng bài toán có lời văn, thì các giả thiết phải đơn giản, câu văn phải hóm hỉnh và gần gũi với HS.

Bước 3. Phân tích – Khám phá – Rút ra kiến thức mới

         Các em lớp 2, khả năng phân tích còn hạn chế, khả năng khám phá để rút ra kiến thức mới chưa khả quan, do vậy giáo viên có thể dùng các câu hỏi gợi mở, phân tích, đánh giá để giúp các em thực hiện tiến trình phân tích và rút ra bài học. Nên soạn những câu hỏi thích hợp giúp HS đi vào tiến trình phân tích thuận lợi và hiệu quả.

 Sử dụng các hình thức thảo luận cặp đôi, thảo luận theo nhóm, hoặc các hình thức sáng tạo khác nhằm kích thích trí tò mò, sự ham thích tìm tòi, khám phá phát hiện của HS…..

Các hoạt động trên có thể thực hiện với toàn lớp, nhóm nhỏ, hoặc cá nhân từng HS.

Bước 4. Thực hành – Củng cố bài học

         Ở bước này, giáo viên cần lưu ý vừa quan sát bao quát các nhóm nhưng cũng theo dõi từng cá nhân học sinh làm bài và phát hiện xem HS gặp khó khăn ở bước nào. GV giúp HS nhận ra khó khăn của mình, nhấn mạnh lại quy tắc, thao tác, cách thực hiện. Và cũng đề cao tính tương tác giữa học sinh với học sinh trong việc tìm hiểu yêu cầu bài tập hay chữa bài trong nhóm, giáo viên hỗ trợ hướng dẫn cách tương tác phối hợp làm việc cho các nhóm làm chưa được. Đó chính là đang vừa dạy kiến thức vừa dạy cách học cho học sinh.

           Nếu các em hoàn thành sớm hơn dự định, tiếp tục ra các bài tập với mức độ khó dần lên phù hợp với khả năng của HS. GV tiếp tục quan sát và phát hiện những khó khăn của HS, giúp các em giải quyết khó khăn bằng cách liên hệ lại với các quy tắc, công thức, cách làm, thao tác cơ bản đã rút ra ở trên.

        Có thể giao bài tập áp dụng cho cả lớp, cho từng cá nhân, hoặc theo nhóm, theo cặp đôi, theo bàn, theo tổ HS.

Bước 5. Ứng dụng

        Giáo viên giúp học sinh thấy được ý nghĩa thực tế của phần kiến thức mà các em mới tìm tòi được qua tiết học bằng cách gắn với hoàn cảnh mới và gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Mỗi ngày giáo viên cần giao cho học sinh một đến hai việc làm gì đó ở nhà mà liên quan đến kiến thức tiết học. Nên hiểu không phải giao bài tập về nhà mà là một việc làm, một cuộc đối đáp với người thân… để giúp các em khắc sâu kiến thức đã được lĩnh hội ở lớp. Ví dụ khi dạy bài “Em thực hiện phép tính 36 +25; 26 +5 như thế nào?” (môn Toán lớp 2), giáo viên có thể giao nhiệm vụ cho các em: Các con về nhà hãy thử nghĩ ra một bài toán có lời văn có phép tính 36 + 5 rồi đố bố mẹ của các con nhé!… Và để biết rõ hơn việc các em vận dụng kiến thức vào thực tế như thế nào thì giáo viên cần thường xuyên liên lạc với phụ huynh để nắm được tình hình và phối hợp với gia đình trong việc giúp các em phát huy ứng dụng kiến thức vào cuộc sống.

  1. Đổi mới hình thức tổ chức dạy học

          Để đổi mới phương pháp dạy học, người giáo viên phải biết sử dụng linh động các hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh. Đổi mới phương pháp dạy học ở đây chủ yếu là dạy cách học cho học sinh. Cách thức tổ chức dạy học là Phương pháp dạy học ngày nay đổi mới tập trung vào vai trò của học sinh, từ kiểu học thông báo đồng loạt sang kiểu hoạt động phân hoá. Giáo viên không còn là người truyền đạt kiến thức mà là người gợi mở, hướng dẫn, tổ chức, cố vấn, trọng tài cho các hoạt động tìm tòi, tranh luận của học sinh. Vậy nên kĩ năng tổ chức các hình thức dạy học là một vấn đề quan trọng. Có thể biến nội dung học tập này thành một chuyên đề học tập trong kế hoạch bồi dưỡng của cá nhân. Khi trọng tâm là học tập về cách thức tổ chức dạy học, chúng ta chỉ nên tập trung xoáy sâu vào chỉ và chỉ nội dung này. Khi xem một tiết dạy, hãy quan tâm về nó, tìm hiểu các tài liệu trên mạng liên quan về nó. Thậm chí hãy thường trực trong đầu một suy nghĩ học tập ở mọi lúc mọi nơi; Ví dụ khi xem một chương trình giải trí của truyền hình, hãy để ý cách thức tổ chức các hoạt động của họ. Biết đâu lại có những áp dụng hay trong dạy học của chúng ta.

     Cho học sinh thuộc 10 bước học tập ngay từ đầu tuần học đầu tiên. Cùng với sự điều hành của nhóm trưởng từng cá nhân sẽ dần quen và thành thạo với các bước học tập. Trong mỗi giờ học đầu năm, giáo viên bám từng nhóm chỉ dẫn cho các em cách làm việc qua từng bài tập, từng hoạt động ngoài việc bồi dưỡng riêng cho các nhóm trưởng. Cùng một nội dung hướng dẫn, giáo viên phải lặp lại với từng nhóm. Công việc đó có thể phải lặp lại nhiều trong những tuần đầu, do vậy đây là thời điểm giáo viên phải nói rất nhiều, hướng dẫn cách làm việc rất nhiều, làm mẫu cũng rất nhiều thì học sinh lớp 2 mới có thể làm quen dần và thực hành độc lập trong những tháng học tiếp sau được. Trong phương pháp dạy học mới, phần chốt kiến thức thường là một vấn đề được nhiều giáo viên thắc mắc, không biết có cần thiết hay không. Thực tế sau mỗi hoạt động, mỗi bài tập mà các em hoàn thành, việc chốt lại kiến thức cũng khá cần thiết. Vậy làm thế nào để học sinh thực hiện được mà không phải giáo viên là người làm thay? Có thể nói cách thức tổ chức trò chơi là một cách làm hiệu quả. Bạn chủ trò sẽ thay mặt giáo viên điều khiển lớp tự chốt kiến thức một cách nhẹ nhàng mà còn gây hứng thú hơn cho các em trong học tập. Một số trò chơi có thể áp dụng đối với dạng bài trắc nghiệm như: trò Gọi thuyền, Ai nhanh hơn. Trò chơi áp dụng đối với dạng bài tìm từ có chứa tiếng có vần gì đó, chúng  ta có thể áp dụng trò chơi Truyền điện, Ai nhanh hơn. Sau trò chơi nên thưởng cho học sinh bằng những lá cờ thi đua để các em phấn khích, và cũng phạt vui những em thực hiện sai để các em nhớ hơn kiến thức…

  1. Đổi mới cách học cho học sinh

         Một khi đổi mới hình thức tổ chức dạy học thì đồng thời đã đổi mới cách học cho học sinh. Nhưng để rõ nét hơn về dạy cho học sinh cách học thì ngoài những hình thức tổ chức mới hỗ trợ, giáo viên cần tăng cường tổ chức hoạt động tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau cho các em. Ngoài việc hướng dẫn cách điều hành cho các nhóm trưởng, những tuần đầu, giáo viên cần rèn kĩ năng nắm thông tin của sách, hiểu các logo trong tài liệu hướng dẫn, hướng dẫn cách thực hiện các bước học tập cho các em qua từng bài tập, từng hoạt động; hướng dẫn cách hợp tác, phối hợp hoạt động trong từng nhóm.

          Có thể nói đối tượng lớp 2 thì giáo viên cần làm mẫu nhiều, hướng dẫn thật tỉ mỉ từng hoạt động. Lặp đi lặp lại nhiều lần các em sẽ quen dần với cách học mới. Sau khi các em đã quen dần cách học, cách tự học, giáo viên tiếp tục nâng cao yêu cầu giáo dục, đó là đòi hỏi sự sáng tạo và chủ động của các em trong hoạt động giáo dục. Ban đầu có thể nêu những tình huống, những dạng bài tập, hoạt động khác nhau, yêu cầu các em tìm cách thức làm việc để giải quyết chúng bằng cách riêng của từng nhóm. Cứ thế giáo viên tăng dần đòi hỏi để phát huy tính tích cực của học sinh không những trong việc tìm hiểu kiến thức mà còn trong phương pháp tìm hiểu kiến thức.

          Sau hơn hai tháng thực hiện triển khai mô hình trường học mới tại khối lớp 2, với sự nỗ lực của giáo viên, học sinh và còn có sự hỗ trợ của nhà trường trong việc tổ chức tập huấn cho giáo viên về mô hình VNEN và những chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, bản thân tôi đã ứng dụng cùng với kinh nghiệm bản thân đã thúc đẩy hoạt động dạy học theo mô hình VNEN đi vào hiệu quả thiết thực. Bằng chứng là các em tự tin hơn, ăn nói lưu loát, mạnh dạn hơn, các em chủ động trong các hoạt động giáo dục hơn rất nhiều. Không còn tình trạng học sinh ngồi chờ giáo viên hướng dẫn trong các tiết học, các em đã làm chủ được bộ tài liệu hướng dẫn học tập. Sự trưởng thành của các em phần nào nói lên rằng tôi, trường chúng tôi đang áp dụng hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình tiên tiến. Chúng tôi đang đi đúng hướng để nhanh tiến tới với sự thành công của nền giáo dục hiện đại.

N.T.L